|
カテゴリ:datnen
Hội thảo “Bất động sản gắn với đô thị di sản Huế” tập trung đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, những chính sách ưu đãi; tìm giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn, ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững gắn với đô thị di sản Huế. Cơ hội bứt phá từ những định hướng của Trung ương Ngày 18/12, tại TP. Huế, Báo Công Thương phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Bất động sản gắn với đô thị di sản Huế”. Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, xây dựng Cố đô Huế trở thành một đô thị di sản cấp quốc gia, thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là gợi ý mang tính định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế trong kế hoạch 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà còn là mong ước và quyết tâm của chính quyền và nhân dân địa phương trong nhiều năm qua. Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014: Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý xây dựng đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên Huế; từng bước cụ thể hóa xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và thực hiện theo quy hoạch chung TP. Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Hội thảo Bất động sản gắn với đô thị di sản Huế góp phần đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, những chính sách ưu đãi; gợi mở những giải pháp hữu hiệu, cơ chế đặc thù và truyền thông thu hút đầu tư để bất động sản Thừa Thiên Huế phát triển theo đúng định hướng, tầm nhìn, ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững gắn với đô thị di sản Huế”, ông Nguyễn Văn Phương nói. Bài toán “phát triển đô thị và bảo tồn di sản” Tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, tuy nhiên, nhiều khu vực là một thành tố của đô thị di sản Huế lại ngủ quên trong khung cảnh hoang vắng. Không gian phát triển đô thị mới của Thừa Thiên Huế chưa có điều kiện gắn kết với không gian đô thị di sản truyền thống, chưa hình thành khu vực đô thị mới năng động hòa hợp với đô thị di sản. Lý giải điều này, Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, chính bài toán hóc búa về giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đã làm một số nhà đầu đất tư rất dè dặt, e ngại khi đến với Huế. Đô thị di sản với mật độ các công trình kiến trúc, danh thắng chiếm hầu hết các vị trí đắc địa, đã không còn chỗ cho các ý tưởng đầu tư bất động sản trong lòng một TP. Huế. Vì vậy, đã nhiều năm trước đây, TP. Huế “thiếu vắng” những dự án đầu tư bất động sản có quy mô lớn; trong lúc khu vực các đô thị mới manh nha chưa gắn kết được với đô thị trung tâm như một tổng thể để hấp dẫn nhà đầu tư. Thị trường bất động sản ở Thừa Thiên Huế gần như bị đóng băng. Đó vừa là một thiệt thòi, nhưng lại là một may mắn, tránh cho đô thị di sản Huế khỏi bị "xé nát" bởi những công trình bất động sản thô bạo. Đồng thời, vẫn để mở cơ hội cho Thừa Thiên Huế xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư phát triển bất động sản hợp lý, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị đô thị di sản Huế, vừa tạo thế mở rộng phát triển TP. Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản - văn hóa - sinh thái - cảnh quan - thân thiện môi trường và thông minh. “Đã đến lúc phải giải bài toán bảo tồn và phát triển, nhất là phát triển bất động sản gắn với bảo tồn đô thị di sản Huế một cách thật căn cơ để tạo thế phát triển mới cho Thừa Thiên Huế”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói. Phát triển bất động sản phải tập trung, đồng bộ theo lợi thế riêng của Huế TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc định hướng chiến lược và phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của đô thị Thừa Thiên Huế. Các nhà quy hoạch, nhà đầu tư bất động sản phải xác định di sản là lợi thế so sánh nổi bật của Thừa Thiên Huế, để khi quy hoạch, đầu tư các dự án “bảo tồn di sản phải gắn với chỉnh trang đô thị”. Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng các dự án cao tầng - điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam mà nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản. Bảo tồn không cản trở phát triển, nhưng đồng thời phải xác định phát triển đô thị mới sẽ góp phần gián tiếp bảo tồn di sản. “Lâu nay Huế loay hoay chuyện bảo tồn phát triển. Chúng ta hãy nhìn rộng ra, theo gương tiền nhân khai phá các vùng đất mới nhằm có thể đem lại các lợi ích kinh tế cao cho toàn tỉnh, chứ không việc gì cứ phải chen chúc bám vào đất cũ, là nơi vẫn nên ưu tiên hơn cho việc bảo tồn di sản của tiền nhân, dành cho các hoạt động du lịch di sản và văn hóa”, TS. Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị. Đứng trước những cơ hội “chuyển mình” của Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, TS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, bất động sản Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều cơ hội cũng như thử thách. Ông Nam Sơn khuyến nghị: Các nhà đầu tư cần chung tay với chính quyền trong việc vận động chính sách và xây dựng sớm hạ tầng kết nối vùng để tạo nền tảng cho các hoạt động liên kết về kinh tế - xã hội; khuyến khích và thu hút những dự án đem lại các cơ hội việc làm thu nhập cao cho các khu đô thị mới tiềm năng trong tương lai; xây dựng chính sách và khuyến khích các nhà đầu tư ứng vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh cho cả trong ranh dự án và các tuyến đường kết nối và bao quanh, đổi lấy các ưu đãi về đầu tư và vận hành dự án; các nhà đầu tư cần nắm bắt các cơ hội đầu tư xây dựng giúp Thừa Thiên Huế hình thành các khu đô thị đa bản sắc, phục vụ nhu cầu sống và làm việc đa dạng khác nhau của nhiều nhóm cộng đồng tại các khu đô thị... Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ - các dự án bất động sản tại Huế hiện vẫn đơn điệu, chưa thể hiện rõ nét “di sản Huế”. Việc phát triển bất động sản phải đặt trong định hướng đô thị hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng theo lợi thế so sánh của Huế. “Phát triển bất động sản phải tập trung, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, thành phần tư nhân giữ vai trò chủ đạo, Nhà nước là đối tác đồng hành, nhân dân giám sát; Tạo được việc làm tốt và thu nhập cao hơn cho người dân địa phương; cải thiện được sinh kế và chất lượng sống của họ”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
お気に入りの記事を「いいね!」で応援しよう
最終更新日
2020.12.19 00:15:56
コメント(0) | コメントを書く
[datnen] カテゴリの最新記事
|